Nhà cung cấp
Giấy chứng nhận
Họp với nhà cung cấp - An toàn lao động - phòng chống cháy nổ
Đảm bảo an toàn lao động - phòng chống cháy nổ
Nhiều biện pháp được thực hiện Công tác đảm bảo ATVSLĐ-PCCN thời gian qua đã được thành phố quan tâm chỉ đạo và tích cực triển khai thực hiện. Cụ thể như: Sở LĐTB&XH đã phối hợp với Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH), Sở Y tế, Liên đoàn lao động thành phố, Sở cảnh sát PCCC tích cực triển khai các hoạt động của chương trình quốc gia, tập trung vào việc nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác ATVSLĐ.
Việc đảm bảo ATVSLĐ - PCCN cần ý thức cao từ chính doanh nghiệp và người lao động (Trong ảnh: Lao động hàn cắt cơ khí tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATVSLĐ)
Riêng trong năm 2013, đã có gần 100% cán bộ quản lý nhà nước của các quận, huyện, phường xã toàn thành phố được tổ chức tập huấn nghiệp vụ quản lý nhà nước về ATVSLĐ-PCCN, 3 lớp tập huấn cho mạng lưới an toàn vệ sinh viên cơ sở và 5 lớp về công tác ATVSLĐ cho lao động trong khu vực nông nghiệp, nông thôn. Công tác huấn luyện cho các doanh nghiệp tập trung vào những đơn vị có nguy cơ cao về mất an toàn lao động, vệ sinh lao động và sự cố cháy nổ, như khai thác vật liệu, xây dựng, hóa chất...
Cùng với đó, các ngành như Sở Y tế đã tổ chức 4 lớp tập huấn công tác y tế lao động cho cán bộ y tế của các bệnh viện; Sở Cảnh sát PCCC đã mở 385 lớp tuyên truyền cho 24.755 người tham gia, tổ chức 127 lớp huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ định kỳ hàng năm cho 6.981 người, huấn luyện nghiệp vụ và cấp giấy chứng nhận cho 5.671 người. Ngoài ra, các cấp công đoàn cũng phối hợp tổ chức 145 lớp tuyên truyền huấn luyện về ATVSLĐ-PCCN cho hơn 14.000 công nhân lao động và cán bộ an toàn vệ sinh viên. Liên đoàn lao động thành phố đã chỉ đạo tổ chức 9 lớp tập huấn AT-VSLĐ cho 646 học viên là cán bộ công đoàn, an toàn vệ sinh viên, công nhân lao động của các nhóm nòng cốt tại các doanh nghiệp tham gia. Sở Công thương tổ chức huấn luyện và cấp chứng chỉ huấn luyện cho 156 cán bộ, công nhân các doanh nghiệp khai thác đá và 18 cán bộ công nhân vận chuyển hàng công nghiệp nguy hiểm.
Cùng với công tác thanh kiểm tra, thành phố đã chỉ đạo và yêu cầu xử lý nghiêm những doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về công tác ATVSLĐ-PCCN để xảy ra tai nạn lao động, cháy nổ gây hậu quả nghiêm trọng. Chỉ tính riêng trong năm 2013, thanh tra ngành LĐTB&XH đã tiến hành thanh tra 30 đơn vị, đoàn liên ngành của thành phố đã kiểm tra gần 30 doanh nghiệp có nguy cơ cao về mất an toàn lao động, bệnh nghề nghiệp và sự cố cháy nổ, đưa ra 304 kiến nghị. Sở Cảnh sát PCCC chủ trì, phối hợp với các lực lượng, địa phương tổ chức kiểm tra gần 11.000 lượt cơ sở theo quy định, lập 10.898 biên bản kiểm tra an toàn PCCC, đưa ra 173 điểm kiến nghị hướng dẫn khắc phục. Sở Công thương phối hợp các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra 6 đơn vị phá dỡ tàu cũ và khai thác đá tại huyện Thủy Nguyên, 20 đơn vị trong lĩnh vực an toàn điện, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp…
Kết quả, qua công tác thanh kiểm tra, các ngành đã phát hiện nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định về công tác ATVSLĐ-PCCN, tiến hành xử phạt về hành vi vi phạm pháp luật lao động 2 đơn vị với số tiền trên 200 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC hơn 1.200 trường hợp với số tiền gần 2,6 tỷ đồng, quyết định đình chỉ hoạt động 6 cơ sở vi phạm…
Vẫn diễn biến phức tạp
Theo báo cáo, tai nạn lao động chết người tuy giảm so với năm 2012 nhưng vẫn còn cao. Trong năm 2013, toàn thành phố xảy ra 70 vụ cháy, 8 vụ tại nạn lao động chết người làm 10 người chết (trong đó có 1 vụ làm chết 2 người). Ngoài ra, thống kê chưa đầy đủ, hiện thành phố có trên 2.000 người bị mắc bệnh nghề nghiệp…
Phân tích những tồn tại, ông Đặng Văn Tâng, Phó giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn lao động và cháy nổ là do vài năm trở lại đây, không ít doanh nghiệp làm ăn khó khăn, mải lo khôi phục sản xuất, kinh doanh để thu lợi nhuận mà ít quan tâm cải thiện điều kiện làm việc. Nguyên nhân quan trọng khác là do người sử dụng lao động và chính người lao động vi phạm quy trình, quy phạm kỹ thuật an toàn. Ngoài ra, một số chế độ chính sách về an toàn - vệ sinh lao động đối với người lao động còn bị vi phạm như: chế độ bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chế độ khám sức khoẻ định kỳ; chế độ bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; cấp phát trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động.
Trong khi đó, công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ còn một số bất cập như: một số văn bản pháp luật có quá nhiều quy định đặt ra, nội dung còn chung chung, không có chế tài xử lý hoặc chế tài chưa đủ mạnh dẫn đến tình trạng người sử dụng lao động, người lao động không chấp hành; cơ sở vật chất, trang thiết bị để đảm bảo giám sát môi trường và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp còn thiếu. Công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện pháp luật về ATVSLĐ-PCCN hoạt động hiệu quả chưa cao, tính trung bình mỗi năm chỉ có khoảng từ 3-5% doanh nghiệp được thanh tra về lao động. Đặc biệt, một số lĩnh vực như nông, lâm, ngư nghiệp, các doanh nghiệp tư nhân, các làng nghề, hộ kinh tế chưa được thanh tra, kiểm tra còn nhiều.
Được biết, cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đồng bộ, trong thời gian tới, ngành LĐTB&XH đặc biệt chú trọng việc tập huấn xây dựng hệ thống quản lý về công tác ATVSLĐ trong từng doanh nghiệp. Trên thực tế, năm 2013 đã có 255 doanh nghiệp được tập huấn về lĩnh vực này, trong đó 80 doanh nghiệp đã tiến hành xây dựng hệ thống quản lý và bước đầu đem lại hiệu quả khả quan trong việc quản lý rủi ro đối với ATVSLĐ-PCCN trong từng đơn vị. Tuy nhiên, điều quan trọng là trước hết các doanh nghiệp và người lao động phải coi việc thực hiện nghiêm túc các quy định về ATVSLĐ-PCCN là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của mình.